Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

26.BUÔN.4




1.Cô ruột tôi lấy chồng xa về Duy Tân,một xã trung du huyện Duy xuyên,Quảng Nam.Cô nhỏ con nhưng dáng còn xinh tới bây giờ,da trắng tréo không bắt nắng.Do bị ép gã cho dượng ,người thâm thấp đầu hơi lớn... nhưng hiền nên cô ngúng  nguẫy thối lui nhà mình, không chịu dzìa nhà chồng.Bà nội tôi gốc con quan ,ăn nói đâu ra đó , lại hung dữ kiểu sắp đặt hết chuyện nhà nên cuối cùng cô phải chùi nước mắt ,chiều tối che nón qua sông về làm dâu xứ người.Cô cười giòn tan khoe hàm răng nhỏ nhít đen nhức:"Mấy tối đầu ,lão mò vô buồng ,tau đạp văng xuống đất lăn cù,dzui lắm! ".Riết rồi đâu cũng vào đó,cô đẻ một dây 9 đứa con mới dừng lại nghỉ.



  Nơi cô ở  chủ yếu  đất gò đồi từng đám nhỏ trồng sắn khoai.Men theo suối mới có các khoảnh ruộng bé như  đồ kiểng trồng lúa.Nhà đông con nếu chỉ dựa vào nông nghiệp không đủ ăn nên cô phải làm thêm nghề phụ là chằm nón mang theo từ quê mình và chạy chợ.Chạy chợ với cô thật đúng nghĩa là gánh  hàng chạy từ chợ này sang chợ khác.Sáng chợ Phú Thuận chiều chợ Thu Bồn , qua sông Thu Bồn không kịp ăn để đúng phiên chợ;hoặc  sáng chợ Ái Nghĩa chiều về chợ Mỹ Lược.Giữa các chợ xa cách nhau hàng chục cây số ,cô cũng cứ lui cui chạy bộ với gánh nắng lặt lè trên vai.Sắn khoai rau bí vườn nhà hoặc mua của hàng xóm quảy đi bán rồi mua gạo ,đậu mè,nhộng tằm..về bán lại ở chợ chiều.
  Thời chiến tranh nổ ra bị dồn lên Đức Dục,cô phải lội bô trên 30 chục cây số quảy đôi Bầu nan ra tới chợ Hòa Khánh  gần Đà Nẵng để mua  đồ mà vùng giải phóng cần như vải dù may võng ,vải phin máy áo bà ba,pin đèn,dầu Nhị thiên đường,kem đánh răng,bút Bic...Việc đi lại cũng thật nguy hiểm .Khi trời còn mờ sương đã lặng lẽ vượt qua đồn Kiểm Lâm,luồn qua các làng xôi đỗ để đi.Lúc về có hàng hóa phải cắt đồng,men theo các đồi cát Hòa Tiến hoặc gò đất Túy Loan mà chạy phăm phăm.Sáng nhịn hoặc ăn sét cơm nguội,trưa ăn sơ sài khi cái bánh ú lúc củ sắn trái bắp là tranh thủ dzọt.Mỗi lần đi xa như vậy có khi vài ngày mới về vì gặp lúc lính bố ráp phải ở lại nhờ nhà dân , xin nấu cơm ăn chờ yên  mới đi tiếp.Vô phúc gặp mấy thằng dân vệ chặn đường vu tiếp tế cho Việt cộng là mất toi ,uống nước lã lê lết về nhà. Buôn đồ cho vùng giải phóng một lời gấp đôi,ba nhưng phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình.Có lần chạy theo dấu lộ ngang Mỹ Sơn ,  bước chệch vào vệ cỏ ,bạn cô bị mìn tiện mất bàn chân.Đôi khi gặp cả mìn tự tạo của du kích gài chặn xe cam nhông hoặc lính đi tuần nhưng bị lính bắn rát quá các bố bỏ chạy ,không trở lại gở kịp trong đêm ; sáng ra lơn tơn là lãnh đủ.
  Với đôi gánh trên vai , cô đã quảy  giang sơn nhà chồng qua cả cuộc chiến tranh khốc liệt.Mỗi khi chạy xe qua con đường ngoằn ngoèo lên Mỹ Sơn,thấy dáng người nho nhỏ chạy lúp xúp gánh gồng,tôi lại nghĩ đến cô .Đồng bạc cô kiếm được từ nghề chạy chợ này thấm đẫm mồ hôi nước mắt và cả máu nữa.
  Sau giải phóng ,cô ra tìm tôi ,dấu dấu diếm diếm lôi ra một gói bọc nhiều lớp bao nhựa.Tôi ngạc nhiên hỏi cái gì.Cô ra dấu im lặng.Té ra đó là các sổ tiết kiệm  mà cô gởi tiền cho các Ngân hàng tư nhân  trước ngày giải phóng.Các Ngân hàng  này đánh vào tâm lý dân tin tưởng Hòa bình sẽ lập lại sau khi ký Hiệp định Pari ,đưa lãi suất tiền gởi lên cao để dụ người gởi.Cô tằn tiện  dành dụm mua khi ít khi ít mà số giấy biên nhận của các Tiệm vàng lên một bó ,có dễ đến hơn 40 lượng vàng ,là cô nói tiếng được tiếng mất vậy.Trời xui đất khiến sao cô bán tất tần tật gởi vào cái Ngân hàng  trên .Khi chiến sự xãy ra ,các chi nhánh cuả Ngân hàng đó ở vùng quê  và cả ở Đà Nẵng cũng dẹp biển hiệu,bỏ chạy mất ,không biết đâu mà tìm.Nghe Ngân hàng Nhà nược cách mạng trả tiền lại cho ai gởi tiết kiệm vào Ngân hàng chính quyền cũ,cô mừng lắm chạy ra nhờ tôi hỏi dùm.Tôi bỏ buổi học ,chở cô đi nhưng đến nơi mới biết,gởi cho Ngân hàng tư coi như mất trắng.Do dấu chồng con phi vụ này,nói có gởi chút chút nên khi mất cả sản nghiệp,cô lẳng lặng nằm liệt giường cả tháng mới ngồi dậy đi  lại được.
  Cầm cả gói hóa đơn mua vàng đưa lại cô,tôi an ủi;"Thôi của đi thay người cô ơi,nhà mình qua chiến tranh không ai sứt mẻ vì bom đạn là phước lớn ông bà để lại rồi".Tay cô run run mân mê gói giấy,mắt nhìn như vượt qua đầu tôi , hồn lạc đi như xa lắm ...

   2. Có lẽ mang gien của cô,các con cô sau này đứa nào cũng tự lực vươn lên và buôn bán đều giỏi.Hiện đứa ở Sài gòn,đứa Đắk Nông,kẻ Đồng Nai đều khá giả ; chỉ có chú thứ Sáu ở nhà với cô là chấp nhận yên phận.Thế mà trước đó cuộc đời chú lại bị cuồng phong buôn bán nhấn chìm.
  Trong số con cô ,chú là đứa lanh lợi ,học hành khá nhất hình như đến lớp 11 mới nghỉ học.Người chú bé loắt choắt nhưng ăn nói có duyên ,con gái chạy theo vô số.
 Sau giải phóng,bệnh hở van tim của chú trở nặng tưởng không qua khỏi.Nhờ chú tôi lúc đấy làm  ở Tỉnh giới thiệu ra Hà Nội xin chữa bệnh.Với ba tấc lưỡi của mình , chú đã gây được cảm tình của giáo sư Tôn Thất Bách và ông  trực tiếp đứng ra mổ tim hở, thay hết hai van tim.Chắc là do tấm lòng của Miền Bắc  lúc ấy còn mở rộng,ưu ái chăm sóc tưởng chú như là một chiến sĩ trẻ tuổi bị bệnh tật do chiến tranh gian khổ gây ra nên chú sớm lành bệnh về lại quê.nhà.Toàn bộ chi phí mổ và viện phí được miễn,chỉ có cô theo nuôi chú tốn ít nhiều chi phí ăn ở trọ mà thôi.Về nhà quê kham khổ chẳng uống thêm thuốc men ,gìn giữ khám thăm chẳng màng đến mà chú sống phây phây  cho đến gần đây mổ thay lại van tim ở Bệnh viện Huế.Hơn 35 năm cho ca thay van tim như chú mà còn sống ,Hội đồng y khoa hội chẩn   ngạc nhiên cho là quá hi hữu.
  Sau khi chữa bệnh về,chú không làm được việc  nặng nên sau vài năm thấy ổn định, một chú khác của tôi xin cho chú vào làm ở Công ty xuất nhập khẩu huyện.Làm ở bộ phận giám định thu mua Trầm xuất khẩu nên chú nắm được kỹ thuật và đường dây buôn bán mặt hàng này.Trầm lúc ấy còn nhiều,được phân đến 6 loại nhưng Công ty nhà nước chỉ mua các loại trầm giác 5,6 là nhiều ;các loại 1,2 chủ yếu buôn lậu vào Sài gòn .Buôn thứ này siêu lợi nhuận nên nhiều người tham gia,từ lái xe đông lạnh chở hải sản xuất khẩu đến cầu thủ bóng đá .Chú rành rỏi là thế nhưng cũng bị lừa cho một vố vì trầm giả.Thế là chú lập kế gài lừa lại kẻ hại mình .Nghệ thuật lừa ngày càng tinh vi.Chú phải lặn lội tận vùng ngập măn Hội An thuê đào cây mắm lấy rễ .Lựa những rễ có hình thù và màu săc khá giống trầm ,chú phải phơi khô tự nhiên ,dọn sạch rồi đem nấu nhiều giờ với nước sắc từ trầm giác.Sau khi rễ mắm ngấm mùi trầm đạt yêu cầu,mới đem phơi khô lại và bào mài, đánh bóng.Lừa được cú này,thu tiền lại rồi nghỉ hẵn buôn trầm nhưng chú đã gieo thù chuôc oán với nhiều người.
   Nghề buôn hễ thấy hơi tiền là mê cho nên chú không thể sống ẩn dật mãi được.Một lần chú ra gặp tôi ,đưa thẻ bài và cả thẻ vào ra Câu lạc bộ sĩ quan có dán ảnh  của  một lính Mỹ .Chú nhờ gặp anh Bốn Viễn dương bà con, tìm cách liên lạc với đại diện MIA của Mỹ ở Hồng Kông để xác định ADN xác của người này.Chú nói có thông tin sau khi xác định đúng ,gia đình họ sẽ bồi dưỡng số tiền bốn chục ngàn USD lận.Gặp chú Bốn được chú ấy khuyên không nên dây vào dzụ này  vi quan hệ có tính quốc gia công khai chứ Mỹ không có chuyện lén lút được,coi chừng ở tù như chơi.Không biết số xương mà bạn bè chú lén đào rồi cất dấu có đúng hài côt Mỹ không nhưng sau đó thấy chú im ru  cho qua vụ này .
  Đi đêm lắm có ngày cũng  gặp ma.Lần này là phi vụ mua bán đồng đen có tổ chức mà chú là đầu têu cò mồi giữa kẻ mua người bán.Sau khi nhận cọc xong , đến ngày hẹn bên giao hàng đưa cái lư hương đồng hun .Thế là bị lật kèo nên xãy ra ẩu đả kịch lịệt, may không gây ra  án mạng .Do tham gia đường dây này có cả các chú công an ở các bên mua bên bán nên cuối cùng vụ việc vỡ lỡ.Chú bị bắt đưa ra tòa ,  tuyên án 10 năm gở lịch.Chú một mình nhận tội để cứu các chiến hữu nên được họ thăm nuôi khá chu đáo .Nhờ cải tạo tích cực và cũng có anh em trong ngành gởi gắm nên chú ra tù trước thời hạn 3 năm.
   Về nhà chú lại cưới vợ mới vì vợ cũ bỏ ,quanh quẫn ở nhà với cô coi như lãnh phần hương khói ông bà.May là các anh em ở xa hỗ trợ thêm nên gia đình chú cũng sống được.Cú mổ tim lần hai chi phí không ít cũng nhờ họ tài trợ .Có vay phải có trả ,chú đã trả bằng cả cuộc đời mình .Chú cười buồn:"Coi như xong phần em,may là mấy đứa con em ở quê nhưng học rất giỏi ,anh ạ !"

8 nhận xét:

  1. hongloan at 08/26/2012 02:38 pm comment
    Cái gốc cây minh hoạ là gốc mắm hay trầm vậy P? Cuộc sống đúng là "bôn ba chẳng qua thời vận" nhỉ. HL thấy nhiều người giàu nứt đố đổ vách, xong lại khánh kiệt liền. May mà chú ấy còn cơ cơ hội gây dựng lại cuộc đời, không thì mất cả chì lẫn chài! Chủ nhật vui nhiều nha![img]1[/img]

    HHP at 08/27/2012 08:19 pm reply
    Có được có mất ,ta nói trời có mắt,lọ phải cầu,HL nhỉ?

    hongloan at 08/26/2012 09:55 pm reply
    Phải trả giá quá đắt cho cái "Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu"![img]5[/img]

    HHP at 08/26/2012 09:50 pm reply
    Hàng xịn đấy,giả nói vậy thôi chỉ chọn loại rễ nhỏ và trộn vào thôi chứ để riêng tinh là biết liền.Dù nói thế nào đi nữa ,đã là người giàu thì họ đều rất giỏi vì trong quá trình vươn lên như họ sẽ có lớp lớp người thất bại.

    Trả lờiXóa
  2. KIM THANH at 08/26/2012 03:43 pm comment
    "Với đôi gánh trên vai , cô đã quảy giang sơn nhà chồng qua cả cuộc chiến tranh khốc liệt." ..."hồn lạc đi như xa lắm ..." Thích 2 ý này. HHP viết thật tuyệt [img]41[/img].

    HHP at 08/26/2012 09:52 pm reply
    Buôn bán như những người phụ nữ VN dựa vào sức mình là chính thật đáng trân trọng,KT à!

    Trả lờiXóa
  3. Lộc Vừng at 08/26/2012 05:38 pm comment
    BUÔN của anh có thể viết thành cả một cuốn tiểu thuyết về thời chiến tranh và thời hậu chiến, với hai thế hệ: mẹ và con, cái được - cái mất - cái còn lại trong đời.[img]1[/img]

    HHP at 08/26/2012 09:54 pm reply
    Cám ơn em động viên,chỉ viết cho vui để hiểu thêm được mất trong đời ,em a !

    Trả lờiXóa
  4. PHẠM BÁ CHIỂU at 08/27/2012 07:58 am comment
    Chúc mừng nhà ''BUÔN" thượng hạng...!!! Hấp dẫn từ đầu đến cuối với ngôn từ dung dị mà quyến rũ...

    HHP at 08/27/2012 09:01 am reply
    Cám ơn bạn,đầu tuần vui và có những bài thơ hay.

    Trả lờiXóa
  5. nobita at 08/27/2012 10:26 am comment
    Loạt bài "buôn" này chứng tỏ HHP có nghề "buôn chuyện" thiệt hấp dẫn! Hoan hô bạn!

    HHP at 08/27/2012 10:47 am reply
    Cám ơn bạn,từ "buôn chuyện" hay ghê.

    Trả lờiXóa
  6. BUITHISONLC at 08/27/2012 01:56 pm comment
    Em sang đọc và học tập cách viết truyện ngắn của anh. Em cám ơn anh và chúc anh vui nhiều nhiều nha!

    HHP at 08/27/2012 04:59 pm reply
    Cám ơn em,trao đổi thôi mà.

    Trả lờiXóa
  7. giaolang at 08/27/2012 09:13 pm comment
    Bạn viết tự nhiên như đang rủ rỉ kể chuyện vậy. Một phong cách viết rất đặc biệt và hấp dẫn![img]41[/img]

    HHP at 08/27/2012 09:20 pm reply
    Cám ơn bạn cổ vũ.

    Trả lờiXóa
  8. Mộc at 08/29/2012 06:19 am comment
    một câu chuyện kết nối những phận người lao đao lận đận, những địa danh như Đức Dục, Hòa Khánh, Chợ Phú Đa ... gợi nhớ một thời cảu mộc cũng lang bạc ở đó anh ạ. Chúc anh một ngày thật vui và hạnh phúc nhé!

    HHP at 08/30/2012 10:12 am reply
    Mot thoi de nho Moc a.

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]