Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

25.Buôn .3



1.Hồi nhỏ tôi lại khoái từ "buôn" vì nó gắn với ghe buôn ,thương hồ  nghe mới mẻ lắm.
Thường sau một vụ tháng Tám âm lịch được mùa  là có một cơn lụt lớn .Trừ những trận lụt trôi nhà ,mất trâu bò ,hư hao lúa gạo ra còn lụt là nỗi vui mừng của nhà nông vì đồng ruộng được dọn vệ sinh và phù sa đầy chân ruộng. Thời điểm này người lớn cũng thoải mái ,dễ dãi hơn với con nít.Mặc cho người lớn lo túi bụi dời đồ lên chỗ cao ,bọn tôi ăn xong là ra hiên nhà thắp hương cầu lụt không rút để được nghỉ học bắt dế xào ăn hoặc nghịch nước cho đã .

 Rồi lụt rút ,nước còn ngấp nghé bến sông,nắng rựng lên nóng táp lưng.Mọi người ngóng ra hướng sông chờ đợi.Y như trong cổ tich,một sớm mai choàng mở mắt,đã thấy ghe bầu Hội an to vạm vỡ cập bến trước xóm.Đó là một quầy tạp hóa lưu động ,bán thượng vàng hạ cám nhưng nhiều nhất là bán sĩ từng thùng mắm cái ,mắm ruốc và cá chuồn khô,cá thính.Những thùng mắm cái đóng trong hộp thiếc khằn nắp được đổi lúa bắp hoặc dầu phụng tự ép.Các ghe bầu lớn còn bán vải cây các loại và có người đo cắt may tại chỗ ,thường là quần cụt và áo bà  ba.Sau này về Hội An thấy nhiều tiệm cắt may áo quần ngay cho du khách hoặc tiếp thị qua Internet ,gởi hàng đến tận Âu Mỹ ;tôi nghĩ họ đã  giao lưu Quốc tế  mấy trăm năm trước và phục vụ nông thôn năng động  từlâu rồi.
  Tối đến,các ghe này chong đèn mang xông sáng cả góc bờ sông để Hô bài chòi và cho đàn ông thưởng thức lave với khô cá trích giòn rụm.Thật như câu ca ông Thời xóm tôi ngâm nga khi đã ngà ngà say:

   Ghe bầu cập bến lụt qua
Mắm ngon cá thính đổi cha đậu mè
   Vải cây trao quá lúa nè
Vợ con xúng xính lão khề khà say.


 2.Ông bác tôi tập kết.Ông anh con bác ở nhà lớn nhõng mà mới học lớp tư nên chán ,bỏ nhà xuống Hội An theo ghe buôn lên xuống Trung Phước.Đây là chợ miền núi Quế Sơn,gần sông Thu Bồn,nơi trao đổi sản vật miền núi với miền biển.Tôi đồ rằng câu ca "Ai về nhắn với bạn nguồn,Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên" ra đời ở cái chợ sầm uất này.
  Mỗi lần anh về nhà ,đầu đội mũ phớt ,đi dép rọ nhựa trắng ,quần tube  áo chim cò lại thêm cái kính râm đen ngòm trông rất oai.Anh đi vào từ bến đò,là tụi tôi rển rển chạy theo ,anh Hai về nè ,anh Hai về...Anh lấy túi kẹo ,phát cho mỗi đứa một cây để mút nhưng bọn tôi phải thường hả miệng ra ...cho kẹo lâu tan.
 Anh ghé vào nhà tôi cho mẹ tôi lọ dầu còn tôi  khi thì quyển sách có tranh,khi thì mấy viên bi chai xanh đỏ hay cây viết chì hai màu.Đó là cả một tài sản lớn của học trò thôn quê ,nhiều đứa nhìn tôi mà thèm chảy nước miếng.Tối đến ,tôi mò xuống ngủ với anh và được nghe anh  kể chuyển thương hồ lênh đênh sông nước mà mơ ước lớn lên được như anh.
 Khi bác tôi từ miền Bắc trở về ,ông nhắn xuống Hội an kêu anh về vì sợ anh đã đến tuổi dễ bị bắt lính.Anh lần lữa không về có lẽ buôn bán đang mùa làm ăn được.Thế là ,một bữa được tin ghe  bầu máy của anh chạy ngang qua bến sông Thu Bồn đối diện làng ,bác cho du kích đón lại.Ghe buôn đi qua lại vùng giải phóng đều đóng góp đảm phụ cho kháng chiến nhưng thỉnh thoảng du kích kêu vào để kiểm tra,tuyên truyền hoặc vận động đóng góp thêm .Anh núp dưới ghe và bị mấy anh du kích xuống tìm ,kéo lên bờ.Sau đó anh đi chủ lực miền và sang năm 1965 Mỹ vào thì hy sinh tại trận công đồn núi Lỡ.Xác anh đưa  về bằng chiếc đò ngang ,không hiểu sao khi xốc anh lên  bờ,bàn tay anh nhúng xuống như muốn vọc nước chơi vậy.
  Thằng em của anh sau này lại theo tàu Viễn dương , buôn bán  đồ điện máy bằng vốn ứng trước  của người đặt hàng nên chẳng mấy chốc mà giàu có .Anh lấy vợ Sài gòn là bạn hàng của mình ,rồi buôn bán đất đai nên càng giàu lên gấp bội.Hôm rồi về quê ,ghé lên thăm mộ bác và anh Hai.Mộ được anh Bốn Viễn dương này về xây lại to vật vã.Tôi nhìn xa thấy  hai chiếc mộ như hai con tàu buôn sơn xanh đỏ ngày trước đang ra khơi.Chắc lần này mơ ước đi xa của anh Hai được toại nguyện?


   3.Sau khi nghỉ hè một tháng,khoảng tháng 7/1981 ,chúng tôi tập trung về trường để đi thực tập tốt nghiệp Đại học .Hồi ấy đi thực tập ở các cơ sở như đi làm , có thầy cô và đơn vị thực tập nhận xét cẩn thận mới cho dự thi tốt nghiệp.Tôi rũ Hà,Lợi ,Chương là mấy đứa cùng  tổ ,dân học phổ thông ở miền Nam (lớp hồi mới giải phóng nhiều bộ đội,cán bộ...đi học) góp phần gạo cắt cơm lại đem bán.Gom thêm từ việc bán hết vở sách cũ ,chúng tôi được một số tiền cũng khá ,hí hửng cùng nhau xuống Câu lạc bộ Thủy thủ nhậu. Câu lạc bộ này xây dựng như hình con tàu cặp bến Bạch đằng ,làm chỗ vui chơi cho thủy thủ Mỹ trước giải phóng .Bấy giờ nơi đây  là cửa hàng ăn uống Quốc doanh nổi tiếng bán bia chai kèm mồi.Mỗi người được mua một xuất gồm 4 chai bia và một đĩa mồi xào luộc linh tinh món gì đó với giá hình như 19 đ.Mấy tay vào đây thường quen mặt nên họ mua thêm suất bằng cách không lấy mồi nên mậu dịch viên thich ra mặt.Đó phần lớn là dân đi đánh cá và đám chạy mánh mung có đồng ra đồng vào ,hầu như không có quan chức chiếm lĩnh các quán nhậu như bây giờ.Mánh mung là cách gọi như cò bây giờ ,họ chỉ chỗ  và tay trong tay ngoài  giúp cho người mua  lấy được vật tư hàng hóa mong muốn từ các công ty nhà nước phân phôi rất nhiêu khê.
  Bốn thằng tự khệ nệ tay bưng đĩa mồi,nách cắp bia tìm bàn ngồi.Lần đầu tiên bước vào chốn này lại còn nai tơ nên chắc nhìn bọn tôi ngơ ngố lắm .Dân nhậu cũng rộng lòng nên thân mật nhường bàn và cười nói ra chiều khuyến khich chúng tôi như quen nhau lâu rồi.
  Bọn tôi cũng hay uống rượu lai rai quán gần trường nhưng nhậu nhiều như vầy là lần đầu nên uống hết suất của mình là say khướt.Thế mà mấy bàn bên không chịu cho về ,mời uống tiếp với họ.Chương cũng con nhà ngư dân ở quận 3 nên  dặn bọn tôi cứ khen họ sống ở phía mặt trời lên thật sướng là họ khoái liền hà.Nguyên quận 3 tuy là thuộc thành phố nhưng ở bên kia sông Hàn ,dân ở nhà chồ đông dọc sông ,nhiều nơi chưa có điện  nên mới có câu"Con gái quận 3 không bằng bà già quận 1".Do nể nang  mà cũng thich với không khí vui vẻ khi nhậu  nên chúng tôi không từ chối , cứ uống tơi tới .Đến khi tôi dẫn Lợi về nhà chú tôi ngủ nhờ lại , cả hai đã ngất ngưỡng đi không vững.Thím tôi thấy vậy nhường tấm phảng và cả buồng trong có toilet cho hai đứa,mang chiếu ra hiên treo màn ngủ.
  Tôi nằm mà người quay mòng mòng không biết hướng nào cả.Thế mà tôi phải mấy lần ngồi dậy lần mò dẫn Lợi đi tìm toilet vì hắn lạ nhà.Lần sau chịu không nỗi,hắn ta mới "livơphun" xối xả lên lưng tôi khi gần đến nơi,may mà tôi ở trần không mặc áo.Hình như kích hoạt từ đó,tôi cũng a lô tung tóe.Sau đó hoảng quá ,bọn tôi tỉnh hẵn và lặng lẽ bật đèn ngủ mờ mờ ,ra sức dọn dẹp không cho thím tôi biết.Sáng hôm sau,bọn tôi dậy sớm về trường để kịp theo đoàn đi thực tập.
  Bẵng đi cả tuần sau không thấy Chương thực tập , lớp mới xôn xao nghi hắn vượt biên. Ba đứa tôi được gọi lên khoa để trình bày việc nhậu hôm trước khi Chương mất tích.Họ nghi bọn tôi biết mà bao che vì tại sao có bữa nhậu chia tay ấy.Lúc đó mới thấy,chơi với nhau vậy nhưng Chương tránh dẫn bọn tôi về nhà.Khoa yêu cầu bọn tôi đến nhà của Chương để hỏi.Chúng tôi đến cả hai nhà gặp ba và anh hắn nhưng cả nhà làm bộ ngơ ngác,hắn đi thực tập mà không thấy zìa.
   Chương vượt biên có mang theo thẻ sinh viên...nhưng không xài được và học lại kỹ sư tin học mới đi làm.Sau này là Việt kiều yêu nước vì có giúp chương trình từ thiện gì đó,hắn cười :"Thì phải đánh lừa vậy nhà tau mới yên ổn làm ăn ,ra khơi đánh cá được chứ không có mà chết đói".

5 nhận xét:

  1. Lộc Vừng at 08/24/2012 08:00 am comment
    1. Ngày nay lũ lụt còn là "cơ hội" cho nhiều người giàu lên đó, anh biết không?[img]1[/img] 2. Chiến tranh, là mất mát với người này, là cơ hội với người kia. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ may và số phận anh nhỉ.[img]1[/img] 3. Có nhiều người như Chương, giờ trở về, chính phủ mình "tay bắt mặt mừng". Hì. Vì họ có tiền.[img]4[/img]

    HHP at 08/24/2012 08:07 am reply
    Thế đấy!Rứa đo!

    Trả lờiXóa
  2. KIM THANH at 08/24/2012 08:10 am comment
    "thường hả miệng ra ...cho kẹo lâu tan" "mánh" ni dễ thương quá! "Thì phải đánh lừa vậy nhà tau mới yên ổn làm ăn ,ra khơi đánh cá được chứ không có mà chết đói". _____ Chung quy lại đều phải "mánh"!

    KIM THANH at 08/26/2012 07:19 am reply
    Nói túm lợi, chúng ta đều trúng "mánh" nhưng là nạn nhân sự trúng "mánh" của người khác [img]4[/img]

    HHP at 08/25/2012 01:16 pm reply
    Ừ ,câu này chắc đúng nhất rùi nhưng nghe "điêu tàn" bi quan quá nhỉ?

    Như thị at 08/25/2012 12:03 pm reply
    Hihi... Cái câu ni, Như thị có xài rồi đó nha!!! (Ngày nào trúng mánh ngày ấy huy hoàng, ngày nào trật mánh ngày ấy điêu tàn!)

    hongloan at 08/24/2012 08:15 pm reply
    He he sửa lại vè cho chuẩn nè: Ngày nào trúng mánh ngày ấy huy hoàng/ Ngày nào mất mánh ngày ấy điêu tàn...[img]102[/img]

    HHP at 08/24/2012 08:36 am reply
    Ừ,KT nhắc đúng rùi như câu cải biên "ngày nào trúng mánh ngày đó huy hoàng,ngày nào mất mánh ngày đó u sầu..." he,he..

    Trả lờiXóa
  3. hongloan at 08/24/2012 11:47 am comment
    Tay "buôn "này ngày càng phất lên vì vốn rất giàu! Hắn cứ giả vờ ngơ ngơ ngáo ngáo mà "tào lao, xịt bộp"rất có duyên!. Hàng của hắn là hàng nội địa , hàng "sạch", hàng không đụng hàng! Mua hàng hắn xong muốn quay lại đặt hàng tiếp[img]15[/img] Lãi bao nhiêu chia bớt cho anh em với!

    HHP at 08/24/2012 02:37 pm reply
    Chia chi cho mệt ,gom lại rũ nhau nhậu hè !

    Trả lờiXóa
  4. HẠT CÁT at 08/24/2012 08:15 pm comment
    .Xác anh đưa về bằng chiếc đò ngang ,không hiểu sao khi xốc anh lên bờ,bàn tay anh nhúng xuống như muốn vọc nước chơi vậy. ***************** Chả học BUÔN CŨNG CHẢ BIẾT BUÔN... CHỈ NHẶT ĐƯỢC MỖI CÂU NÀY! MÌNH QUA MỌI CHUYỆN , THẤY TIỀN LÀ phương tiên rất quan trong...SONG KHÔNG LÀ mục đích . VUI NHÁ BẠN!

    HHP at 08/24/2012 09:23 pm reply
    Cám ơn chị ghé thăm va góp ý!

    Trả lờiXóa
  5. Thuyhung30475 at 08/25/2012 08:13 am comment
    Những chuyện xưa cũ cứ gợi mãi zậy![img]4[/img] nói vui thôi,có những mánh khóe rất dễ thương!

    HHP at 08/25/2012 08:43 am reply
    Người zừ hay nhớ chuyện cũ,bạn ạ.

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]