Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

57.THÁNG TƯ CÓ MỘT NGÀY...

  
Bài thơ phổ nhạc mà Thận tăng đồng bào tôi .

1. Người ta không nhớ ngày kết thúc Trịnh -Nguyễn phân tranh hơn cả trăm rưởi năm ,có lẽ do hai bên bất phân thắng bại và bị Tây Sơn đẩy qua đẩy lại chăng? Còn ngày 30/4  được  khắc ghi là ngày  kết thúc cuộc chiến chống Mỹ cứu nước ,là thắng lợi  của cả  dân tộc  Việt Nam ta ,như lời nói của Tướng T.V.Trà khi hứng khởi  tiếp quản Sài Gòn còn nguyên vẹn.Tuy nhiên thực tế 38 năm qua điều này không phải như thế với một số  người  kể cả hai phía.Bên thắng cuộc  hồ hởi ,bay trên trời xanh ngây ngất nhìn xuống ,hành xử không quá tàn bạo trên bề nổi nhưng lại ra vẻ  ban ơn và kém văn minh của một xã hội trưởng thành về pháp luật.Bên thất bại gọi  đó là ngày quốc hận  vì bỗng dưng bị mất mát quá lớn về cả vật chất và tinh thần.

  Hòa giải hòa hợp dân tộc  vẫn còn là con đường gian nan ở phía trước dù đó là công việc tự thân của những người anh em một nhà không có bên thứ ba nào làm trung gian dàn xếp được.Tướng N.C. Kỳ cho rằng muốn HGHH cần đặt lợi ích dân tộc lên trên hết .Những lãnh đạo có tầm nhìn vượt lên trên đám đông như ông V.V.Kiệt đã tâm tình "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.” .Biết vậy nhưng để HGHH thật sự ,các bên phải chân thành ,thực tâm và bình đẳng ;mà đặc biệt bên thắng cuộc phải chìa tay ấm áp ra trước.
  Hòa giải là phải tự nhìn nhận lại  để nhún mình hơn tìm gặp cái chung của nhau chứ không phải bắt người ta hòa hợp vào cái mình đã lên khuôn mẫu.Cho đến nay sau nghị quyết 36 ,các bên đã ngước mặt nhìn vào nhau nhưng vì cả hai còn bị lé nên mắt không nhìn thẳng hướng được .Nhược điểm lớn nhất là nhiều người không đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ và hành động.

  2.Tôi may mắn khi   được nhúng vào một chút thời chiến tranh và có những người thân trong  gia đình mình cũng như bạn bè tham gia cả hai phía khá  tích cực .Ba tôi là cán bộ nằm vùng hoạt động nổi tiếng tại vùng B Đại lộc ,Quảng Nam nên bị chính quyền ông Diệm làm tình làm tội mẹ tôi.Tuy nhiên nhờ có cậu tôi sống hai mang ,vừa là cơ sở của ta vừa chơi thân với đám Hội đồng nên mẹ tôi cũng không bị đối xử quá tàn bạo.Có lẽ còn một lý do  ông ngoại tôi  là lý trưởng và  gia đình bên ngoại tôi không tham gia cách mạng toàn diện như bên nội.Chính cậu tôi đã sắp xếp cho mẹ  rời  xứ vào miền Nam để tránh giai đoạn tố cộng đẫm máu lúc bấy giờ. Khi chiến tranh xãy ra quá ác liệt ,gia đình cậu chuyển vào Pleiku sinh sống.Mẹ tôi sau đó,vào năm 1969 khi anh em tôi đã ra Bắc cũng theo sống nhờ gia đình cậu.Trong lý lịch tôi ghi thành phần gia đình là Bần nông dù có 5 sào ruộng ông ngoại cho và trong thâm tâm tôi vẫn tự hào về gen di truyền của ông ngoại mình.
  Cậu tôi kể ,may hồi đó có mẹ bây là vợ cán bộ Việt minh nên ông không bị quy chụp địa chủ.Sau giải phóng ,ông bị một số phần tử lực lượng của cách mạng bẩm báo  theo Quốc Dân Đảng nên bị đấu tố nhưng nhờ là cơ sở cách mạng cũ của lãnh đạo huyện lúc đó nên được xét tha.Một thời kỳ nhộn nhạo ,pháp luật không được thượng tôn nên sinh mệnh con người cũng nhỏ như con thỏ.
  Thời sống ở vùng giải phóng được tuyên truyền người dân vùng địch  bị o ép khổ cực nhưng khi bị "xúc " qua đó tôi lại khoái không chịu về vì được vui chơi ,có cái ăn cái mặc ,lại được xem phim coi hát miễn phí ở sân vận động của khu dồn.Mẹ tôi cho người qua mấy lần mới dẫn tôi về để đi ra Bắc học văn hóa.Tôi xuýt xoa ở bển sướng hổng như mấy chú nói mô.Mẹ tôi suỵt ,con Việt cộng ở sao được , mà họ pháo kích vào chết như chơi ,về thôi !
  Sau này ra Bắc được nói nhiều hơn về sự khủng bố dã man của thời đen tối , sự tàn bạo của bọn ác ôn khi tra tấn những người kháng chiến và qua thực tế được thấy,tôi càng nung nấu lòng căm thù với ngụy quân -ngụy quyền.Tuy nhiên khi nói về sự cực khổ của người dân trong các thành phố ,tôi lại nghi hoặc vì biết gia đình mình vẫn làm ăn sinh sống bình thường dẫu thỉnh thoảng vẫn cúng nộp đám địa phương cho yên chuyện.
  Trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy ,để bảo vệ lý tưởng của mình ,các bên đã dùng đủ các biện pháp quân sự và các thủ đoạn chính trị , không thể nói bên nào đẹp hơn khi hạ sát lẫn nhau.Chiến tranh với mỗi gia đình cũng hên xui như chuyện Tái ông mất ngựa vậy.
    Do theo đuổi rập khuôn máy móc triệt để cách mạng ,bất chấp đặc thù của Việt Nam nên Cải cách ruộng đất đã  gây thảm họa cho bao nhiêu gia đình với những cái chết thương tâm vô lối.Nhiều người đã bị xử nhầm  ,ảm ảnh về sự phản bội  này và  bị đẩy về phía bên kia đối lập.Cuộc di tản vào Nam cũng như sang Hoa kỳ sau này cũng là hậu quả của sự ghê sợ nói trên. Hành xử bị kích động của đám đông  không đứng trên luật pháp này còn lặp lại ở các vùng giải phóng miền Nam mãi sau này.Sau giải phóng ,gia đình mấy người bị du kích bắt lên núi thủ tiêu với lý do nghi chỉ điểm đã hỏi ông anh họ tôi ,chồng cha họ đâu?Ông anh tôi ấp úng nói tránh đi và không dám đi ngang ngõ hay dự đám giỗ nhà họ.Ác nỗi ở thôn quê ,không bà con bên ngoại cũng bên nội cả nên khó mà tránh nhau mãi.Thôi thì chiến tranh cho qua,mãi ông trưởng họ lên tiếng dàn hòa mới tạm yên nhưng hài cốt người chết trong núi biết đâu mà tìm cũng như con cái của họ với lý lịch như vậy  làm sao học hành  được ? Nghĩ cũng thật tội cho con cái của họ biết chừng nào !
  Rồi hàng vạn người đi cải tạo không xét xử ,tưởng đi vài tháng nhưng kéo dài cả chục năm không biết lúc nào về.Vợ con họ sống dựa vào tiền lương của chồng ,không quen lao động chân tay ,bỗng chốc bị đói rách phải lần hồi bán hết tài sản để sống qua ngày.Chế độ bao cấp phân phối sản phẩm không có phần họ như triệt buộc ,đây họ vào chỗ cùng đường.Những người là cán bộ nhân viên bấy giờ đã sống khốn khó thì họ bị xếp hàng thấp nhất trong xã hội làm sao sống nổi? Lúc này nhiều phong trào chống đối chính quyền này nọ xãy ra nên các sĩ quan bị cải tạo càng khó được thả về.Nhiều gia đình dính dáng chế độ cũ và không có công ăn việc làm (cán bộ công nhân viên), bị đẩy đi kinh tế mới nhằm giản dân đô thị .Tuy nhiên việc chuẩn bị sơ sài ,đưa đến nơi rừng thiêng nước độc với những người chân yếu tay mềm thì khác gì đưa đi đày? Ông bác vợ tôi đưa cả nhà đi tuốt vào vùng Bình Thuận ,gạo không có ăn chỉ sống bằng khoai sắn.Con cái ốm đau,mặt xanh nanh vàng .May mà anh em giúp đỡ nên  lộn về Đà Nẵng chớ không chết cả mống,mỗi khi kể lại mắt bác vẫn còn thất thần. 
   Thiếu ăn đói rét không đau khổ bằng nạn phân biệt đối xử  với gia đình của những người tham gia chế độ cũ.Con cái của họ dù học giỏi cũng không vào đại học được và tương lai như đóng lại với họ. Khi cải tạo công thương nghiệp xãy ra ,lại một cuộc tàn phá kinh tế và đánh tan tác lòng tin cuối cùng của người dân vào chế độ.Cảnh phát động con tố cáo cha ,làm nội gián cho các đội cải tạo mãi là vết thương lòng cho những thanh niên hăng hái bị dụ dỗ.Như giọt nước tràn ly,hàng trăm ngàn người bất chấp hiểm nguy  đã vượt  biển khơi đến xứ người "một là chết nuôi cá,hai là sống nuôi má,ba là má nuôi con" .Rất nhiều người bỏ mạng giữa biển khơi,bị  tù  đày hành hạvà khổ đau cùng cực khi bị tịch thu nhà , không còn chỗ ở nếu đi cả nhà mà bị lộ.Một số cán bộ biến chất đã lợi dụng bán bãi ,chiếm nhà họ lại sống nhơn nhơn phè phởn càng làm sâu thêm hố ngăn cách giữa các bên.Bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh này cũng đều không thể dễ quên nổi đau mà mình hứng chịu!
   Những người lãnh đạo chính quyền mới hạn chế về tầm nhìn và cũng quá nhấn mạnh yếu tố trấn áp trong lý luận về chuyên chính vô sản nên làm cho xã hội nháo nhào cả lên .
  Một số bạn học lớp 11 và 12 của tôi học rất giỏi,có bạn thi đỗ cao nhưng vướng lý lịch nên không đi học được phải làm công nhân trong các xưởng gỗ hoặc mở tiệm may sống lay lắt qua ngày.Khi gặp nhau nâng ly, chúng tôi tránh nhắc đến chuyện học đại học .Đôi khi nhìn ánh mắt mấy bạn xói vào mình ,tôi chột dạ "Ê ,tao học ngon lành thi đạt điểm đàng hoàng ,không cần điểm ưu tiên giành chỗ mày đâu nghe!" Thật xót xa, thôi bỏ mậy!
 Thực tâm và chân thành  trong hành động mạnh hơn mọi nghị quyết và lời nói.

   3.Khi ở ngoài Bắc được tuyền truyền , tôi cứ nghĩ bọn bán nước tay sai không tôn trọng lịch sử,chỉ có ham bơ thừa sữa cặn ,hà hiếp dân lành thôi .Khi vào Nam ,thấy bảng tên đường là các anh hùng dân tộc ,nhiều tượng thờ Hưng Đạo Vương-Phan Châu Trinh đặt trang trọng ...tôi mới ngớ ra .Họ cũng trân trọng cội nguồn dân tộc,yêu nước nhiệt tâm chứ đâu chỉ người cộng sản mới có.Ngạc nhiên hơn trong các sách bị tịch thu đốt có các tác phẩm của các nhà văn Xô Viết.Một xã hội về mặt nào đó khá cởi mở về phương diện phổ biến kiến thức nhân loại không phân biệt chính kiến.
  Sau này mới biết Bác Hồ từng khuyên cán bộ đừng gọi xách mé ông Diệm là thằng nọ thằng kia vì ổng cũng là người yêu nước theo kiểu ông ta . Rồi nhiều tướng lĩnh phía bên kia cũng yêu nước theo kiểu của họ và nhiều người cũng sống ngay ngắn có trí thức ,chứ không phải như các nhân vật hung hăng khát máu được điển hình hoá trong phim hay sân khấu.
  Trước 40 tuổi đụng đến việc so sánh nội chiến giữa hai miền , giữa hai phe XHCN x TBCN ;tôi cãi chí chết ,cho rằng ta hoàn toàn đúng vì chính nghĩa.Ngày đó chúng tôi còn được dạy dân Đại Hàn ,Đài Loan ...sống nghèo khổ ,rên xiết dưới chế độ Tư bổn.Sau này mở cửa mới biết họ tiến đi đâu còn nước ta tiến nhanh ,tiến mạnh,tiến vững chắc mà mãi vẫn còn nghèo đói.Khi nhậu sương sương ,bạn tôi mới nói " tau đâu cần giải phóng ,cứ để zậy bây giờ dân MN ngon như dân Hàn quốc ,hơn hẵn bọn Thailand cái chắc",tôi im lặng không cãi nữa nhưng thòng một câu "độc lập tự chủ vẫn sướng hơn chứ mậy" ! Độc lập cũng thích thật nhưng tư do  hạnh phúc lại cần thiết hơn ,ông ạ ! Thôi mệt ,không chính trị nữa , zô !
   Ai cũng có thể sai lầm nhưng không để lặp lại ,cả dân tộc không thể là vật thí nghiệm cho những chủ trương không có mục tiêu rõ ràng.Yêu nước thương nòi ,đoàn kết dân tộc là truyền thống lâu đời ,là tài sản chung của cả dân tộc ta chứ không của riêng ai !

  4. Khi học về lịch sử ,bao giờ cũng có bài học về đoàn kết bằng Mặt trận ,một sự sáng tạo của Đảng  cộng sản VN.Sách báo chính thống bao giờ  cũng nói đó là chủ trương có tính chiến lược chứ không phải sách lược nhất thời nhưng khi giảng , thầy giáo  bao giờ cũng thòng lại một câu:ta đấu tranh chuyển hóa họ (nhuộm đỏ) ,Đảng phải lãnh đạo toàn diện...Ngay như quyền chủ tịch nước H.T.Kháng mà thầy còn nói,sau cụ là mấy anh chỉ đạo hết ,được Bác giao rồi (!?).
  Sau giải phóng nhiều giáo sư tham gia cách mạng được mời vào Mặt trận Tổ quốc nhưng họ thấy không thực quyền ,chỉ làm trang sức cho chế độ nên buồn buồn rồi rút lui .Đã giao việc mà bố trí người kèm bên cạnh theo dõi thì còn ra thể thống gì ? Nhiều người mãi sau này còn ấm ức ,họ cho là  bị vắt chanh bỏ vỏ,hết xôi rồi việc.
  Mặt trận mà  không làm được chức năng phản biện xã hội thi mất tác dụng của nó !

    5.Năm 1998 khi tôi đến Paris sau ngày 1.5 ,nhiều tờ rơi đả đảo VC và Thủ tướng P.V.Khải  (trước đó ông thăm Pháp)dán khắp nơi.Đến quán Cây cau ở quận 13 với  bạn ,tôi được gặp một nhóm bạn sinh viên SG cũ khá nhiều chính kiến.Chủ quán tên Thận ngồi ủ rủ. Thì ra tối mấy hôm trước  quán tổ chức đêm nhạc ,bị bọn chống cộng kéo tới đập phá vì cho rằng Thận theo đuôi cộng sản ăn mừng ngày 30/4.Người bạn tôi cười ,hồi trước khi mới vượt biên qua nó cũng xuống đường ì xèo ,đầu têu đám quân quậy quán Việt Nam của tôi đến khổ.Lông bông mãi không khá nổi,ông anh Bác sĩ ở Mỹ kêu qua mần ăn thời gian.Ông anh nói "mày xuống đường hoài có được gì không ? Mấy thằng chóp bu sử mày thu tiền rồi biển thủ sắm nhà lầu xe hơi ăn chơi chớ yêu nước mẹ gì.Thôi ai lên kệ họ miễn nhân dân ấm no là được,mày chống làm gì cho rối lên !"
   Chí thú làm nghề vẽ móng thời gian ,Thận  kiếm được lưng vốn rồi quay về Pháp cưới cô vợ có chồng Tây làm ở Tòa thị chính vừa mất , nhà cửa đàng hàng.Thế là Thận mở quán Bar ,thỉnh thoảng mời ca sĩ người Việt các nước đến tham gia những đêm ca nhạc  vì trước Thận cũng là một nhạc sĩ.
  Bọn cực đoan cho Thận trở cờ phản bội nên thi thoảng tìm cách gây chuyện.Thận buồn buồn"Em không theo nên bọn nó phá hoài.Bây giờ em không biết mình là Việt gian , Việt cộng hay Việt gì nữa". Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi ,  chấp làm gì ,bọn tôi an ủi !
    Thận gởi tặng tôi bài hát Vịnh cây cau ,có lời đề Tặng đồng bào tôi ! Bài hát nói về sự ngay thẳng nhưng uyển chuyển của cây cau trước gió , với tự tình dân tộc đầy lắng đọng.Thận hẹn  về Việt Nam và nói sẽ xúc động nếu gặp lại nhau được nghe bài hát này từ ca sĩ trong nước.
    Không biết Thận đã thực hiện lời hứa  của mình  chưa nhưng tôi tin những người như Thận sẽ rất nhiều.Họ luôn hướng về Tổ quốc với mong muốn HGHH dân tộc để đất nước ngày càng phát triển vững mạnh  !
 
   

41 nhận xét:

  1. Tính viết tiếp Bên Thắng Cuộc hở bạn???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đâu dám vậy ,chỉ lan man vài cảm nghĩ nhân ngày này bạn ạ!

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Vậy hả em,anh sợ vấn đề nhạy cảm !:D

      Xóa
  3. Em còn nhỏ, nên thời ấy, em chỉ được biết qua lời kể của nội. chiến tranh mà, cũng không biết ai đúng ai sai, chỉ biết là người dân, ai cũng cần được sống bình an , yên ổn.
    Nội em hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, nhưng do trưởng đồn thương, nên không đánh đập tra khảo, còn thả ra. Kết quả là nội bị việt Công nghi ngờ , treo án tử, phải bỏ xứ chạy lên Sài Gòn mới gặp ông nội.
    Ông nội em làm lính cho Ngụy. Trong lần chở xe từ, có dừng xe cho ai đó ghé thăm nhà dọc đường. Sau giải phóng, Nhà nước tặng bằng khen có công cách Mạng.
    Trước giải phóng, gia đình nội rất giàu, nhưng sau giải phóng, nghèo không thể tưởng, của cải phải bỏ xuống sông giấu, rồi cũng trôi đâu mất.Làm ở hợp tác xã từ sáng tới tối, cũng chả có dư đồng nào, quần áo không có mà mặc...
    Thôi thì, chuyện lịch sử đã qua, chắc ai cũng biết. Yêu nước thì chắc ai cũng có yêu. Nhưng ai cười em em chịu, trước khi nói câu yêu nước hùng hồn, em vẫn thích nói câu : yêu cuộc sống an bình hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở MN nhiều gia đình như hoàn cảnh gia đình ,biết để ta dễ hòa hợp hơn ,em ạ !Chúc em ngày mới vui .

      Xóa
  4. Đúng là đụng đến vấn đề nhạy cảm . Tuy nhiên, viết những suy nghĩ thật về sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục (dù cái ý: "Ngô Đình Diệm yêu nước theo kiểu dân tộc" nghe có vẻ chưa thuyết phục!:-o )
    Bài nào của anh P cũng đầy trách nhiệm đối với tình hình đất nước!:8)

    Trả lờiXóa
  5. Em đọc thôi ạ! Hiểu thêm về những điều trước đến giờ chưa biết về anh và về một ngày trong tháng tư. Chúc anh Cả luôn bình an, hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em ,chúc ngày mới nhiều niềm vui !

      Xóa
  6. "Có một ngày tháng tư..." Miễn là bớt chết chóc, bom đạn là mừng anh à! Dù còn nghèo dân vẫn có thể chịu đựng, nhưng những bất công, tham ô, nhũng nhiễu tràn lan, luật pháp không nghiêm... đã làm mất niềm tin ở đại đa số dân chúng, nhất là tầng lớp lao động nghèo, bởi họ chịu tác động nhiều nhất...
    Chỉ biết cầu nguyện cho những người ở cương vị lãnh đạo có tâm một chút, sáng suốt một chút, vì nước vì dân một chút... thì mới hy vọng về tương lai. Còn giờ thì... rầu quá anh à! hic...

    Trả lờiXóa
  7. Rầu nhưng cũng tin vận nước phải đổ thay và tôt lên ,Giáo ơi!:O)

    Trả lờiXóa
  8. Anh có cái nhìn cởi mở và chu đáo . Chiến tranh là cái gì , sau cuộc chiến ta tìm được cái gì , ở đó cái gì được tôn vinh , cái gì bị chôn vùi ....
    nhiều thứ quá phải không anh .
    Có người nói : Chiến tranh có một bên chiến thắng , nhưng kẻ mất luôn là nhân dân .

    Trả lờiXóa
  9. Đúng đó NT ạ,Nhân dân luôn là kẻ bị mất mát quá sau các cuộc chiến hoặc xuống đường...

    Trả lờiXóa
  10. Giống như anh HHP đã lột được những suy nghĩ của những người "bên thua cuôcj"
    Hay và đúng đến ngậm ngùi anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái gì bất bình thường không theo quy luật đều có hậu quả xấu!

      Xóa
  11. Bài viết này của anh rất súc tích, em đã đọc mấy lần liền. Trong khuôn khổ của một entry trên blog, nó giống như một tổng quan mạch lạc cho một cuốn tiểu thuyết anh ạ. Em lớn lên ở miền Bắc XHCN,là "bên thắng cuộc", không được tiếp súc nhiều với quan điểm của "bên thua cuộc". Khi đọc "Bên thắng cuộc" của Huy Đức, có những lúc em giật mình, không biết có phải vì ông ấy đã vi vu bên Mỹ mà viết thế không? Gần đây, đọc blog của anh, em hiểu, mọi điều viết ra đều có căn cứ của nó.
    Em nhớ đã đọc ở đâu đó một kết luận của một người bạn Nhật khi nói về Việt Nam, em nhớ không chính xác, nhưng đại ý thế này: "khi chúng tôi thua cuộc, chúng tôi đã nhìn xuống đất nên thấy được con đường dưới chân mình cần phải đi thế nào. Còn các bạn, các bạn là những người thắng cuộc nên các bạn đã nhìn lên trời, mà không thấy con đường đi phía trước. Có lúc các bạn đã đi lùi..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. p/s: em viết sai chính tả: "tiếp xúc". Hì.

      Xóa
    2. Đau khổ là khuyết điểm của ta cứ lặp đi lặp lại vì cơ chế kiểm soát không hữu hiệu.Ở ta nhiều người biết và nói ,dĩ nhiên mức độ không như HĐ thôi.

      Xóa
  12. Những ngày lễ đi đâu không bác P? hay là sợ thỏ không đủ cà rốt gặm nên đành gác những chuyến đi?;)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Năm nay cô út học thi lên lớp 1o nên không đi đâu cả.Cô ta đi chơi với lớp ở PT 2 ngày về tối qua sẽ đốc thúc vào cuộc ,mệt thật !

      Xóa
  13. Cảm ơn ANH CẢ nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
  14. Sau lễ là một ẻn mới chứ? Mọi người đang chờ đấy ạ!

    Trả lờiXóa
  15. Hòa hợp dân tộc thế nào được khi bây giờ còn phân biệt Ngụy với không Ngụy. Cứ lấy vết thương chiến tranh ra mà chà đạp sự phấn đấu con cháu có người theo chế độ cũ. Còn nhiều nỗi niềm lắm bác HHP ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình khó khăn nhưng không còn cách nào khác,TNX ơi!

      Xóa
  16. Cảm ơn anh vì bài viết.

    Chính quyền hiện tại cũng đã có chủ trường hòa hợp dân tộc từ nhiều năm nhưng cách làm thì vẫn còn dè dặt lắm. Cộng động chống + ở hải ngoại thì nhiều người chác sẽ mang theo nỗi hận xuống mồ. Với từng cá nhân thì tôi cho rằng họ có quyền hận, tuy nhiên đáng tiếc là có quá nhiều kẻ cơ hội lợi dụng sự thù hận để chống phá lại quá trình hòa hợp. Có lẽ phải đợi thêm 1 thế hệ nữa thì may ra.

    Anh thích nhạc Phạm Duy, anh nghe bài Nước non ngàn dặm ra đi trong album con đường cái quan sẽ thấy có mấy câu:

    Dù đường thiên lý xa vời
    Dù tình cố lý chơi vơi
    Cũng không dài bằng lòng thương mến người

    Con đường đi được vào lòng người lại là xa nhất !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn chia sẻ ,HHP cũng nghĩ cần sự cố gắng/đột phá của cả hai bên.Nếu cần ,dân tộc ta biết kiên nhẫn mà ,không sao bạn ạ!:O)

      Xóa
  17. Những NGƯỜI CÓ TẦM NHÌN XA đều SỐNG VÌ YÊU THƯƠNG chứ KHÔNG SỐNG VÌ HẬN THÙ .Sau 30/4 giá BÁC HỒ còn khỏe thì chắc không đến nỗi,bạn nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đất nước vẫn chưa có những lãnh tụ tầm cở xuất hiện ,đó là nổi buồn của cả dân tộc ,anh ạ ?

      Xóa
  18. Sang nhà anh em dc "mở mang đầu óc" nhiều a CẢ ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em ,viết cũng là cách để chia sẻ em ạ !

      Xóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]